HBLAB.Journey#1 – Huy động sức mạnh tập thể qua OKR

OKR được biết đến như là công cụ đặt mục tiêu, giúp các công ty/đội nhóm tập trung vào những điều quan trọng và nỗ lực hoàn thành nó. Thực tiễn triển khai tại HBLAB chỉ ra một lợi ích khác của OKR: là công cụ để gắn kết và huy động sức mạnh tập thể.

HBLAB bắt đầu triển khai OKR từ đầu năm 2020, và sau 1 năm vẫn chỉ trong phạm vi BOD. Các sếp vốn rất bận rộn, mục tiêu đặt ra lại thách thức, nên lại càng bận hơn.

Cuối 2020, Toàn – CEO HBLAB mời tôi tham gia workshop xây dựng OKR cho 2021. Tôi đề xuất phải huy động nhiều người hơn, ai tích cực và có mong muốn đóng góp thêm cho công ty đều có thể tham gia. BOD đặt mục tiêu, BOD lại đi giải quyết, loanh quanh có mấy con người thì khó làm được nhiều việc. Thế là buổi brainstorming đấy có hơn 20 người, cả Việt Nam lẫn đầu Nhật Bản. Khá nhiều bạn lần đầu tiên mới có cơ hội tham gia buổi đặt mục tiêu cấp công ty như vậy. 

Hai ngày họp diễn ra rất sôi nổi. Các góc nhìn khác nhau giúp cho BLĐ nhìn thấy tình hình công ty rõ ràng hơn. Nhiều trăn trở được đưa ra. Nhiều câu chuyện được chia sẻ. Anh chị em cũng hiểu rõ hơn về định hướng phát triển của công ty. Buổi brainstorming đấy không còn đơn thuần để có được mục tiêu cho năm tới. Nó trở thành công cụ để gắn kết.

Sau 1 năm triển khai OKR theo cách mới, kết quả triển khai cũng khá tích cực. OKR trở thành ngôn từ quen thuộc tại HBLAB. Năng lực triển khai các chương trình trên diện rộng của anh chị em được nâng dần theo thời gian. Vấn đề đưa ra để giải quyết dần đi vào các điểm cốt lõi của doanh nghiệp: chất lượng, tiêu chuẩn, năng suất, gắn kết… Ban lãnh đạo vẫn tích cực tham gia, nhưng sự đóng góp của các thành viên khác cũng rất lớn. Và điểm tích cực nhất chính là sự chủ động của mọi người trong hoạt động triển khai, trong việc đúc rút bài học, sự trăn trở về việc tiếp tục các chương trình chuyển đổi ở cấp độ rộng hơn khi kỳ OKR kết thúc. Đây là sự tiến bộ trong năng lực chuyển đổi của tổ chức. 

Đến thời điểm hiện tại, OKR mới triển khai ở mức công ty, bộ phận, và đang bước đầu thí điểm ở cấp dự án. Với sự phát triển nhanh chóng về quy mô công ty, cách thức triển khai OKR cũng sẽ cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

OKR cũng chỉ là một công cụ, để ra được kết quả tốt phụ thuộc rất nhiều vào năng lực lãnh đạo và năng lực thực thi của tổ chức. Có điều, một con dao mới cũng có thể giúp ích ít nhiều cho ông đầu bếp. Tất nhiên chỉ khi nó phù hợp, và chỉ khi ổng làm chủ được nó ^^

————

Bonus 1. Tại thời điểm tôi đang hoàn thiện bài này, anh Toàn (CEO HBLAB) vừa kết thúc buổi họp check-in OKR chạy ra bảo: Bắt đền anh. Sau module “Tư duy chiến lược”, anh chị em họp OKR cãi nhau như mổ bò.

Số là đội quản lý vừa xong giai đoạn tìm hiểu về “Tư duy chiến lược”, nên có vẻ chịu khó hỏi nhiều hơn. Suy cho cùng, OKR thì dễ hiểu, nhưng tìm ra đúng mục tiêu cần đạt được thì mới khó. Tranh luận tích cực là một tín hiệu đáng mừng.

Bonus 2. Bên dưới là bài thơ rất thú vị của anh Giang, một thành viên trong BOD HBLAB.

Ban đầu học tập làm Ô
Ka Rờ lắm lúc ngây ngô lạ thường
Triển khai như bãi chiến trường
Check-in ít họp, rất thường bỏ qua
Sau này thì mới ngộ ra
Check-in là nhịp mà ta phải làm.

Ban đầu ai đặt cái Ô
Thì sau này sẽ chính ông đấy làm
Anh em ai cũng tàng tàng
Một Hai Ô với dăm ba Ka Rờ.
Họp thì ai cũng bơ phờ
Mười Hai giờ vẫn chưa sờ được chăn
Sau này không phải lăn tăn
“In vai” các bạn cùng lăn vào làm
Triển khai tuy lắm mầu cam,
Đỏ là chủ yếu, xanh càng ít đi.

Nhưng rồi cải tiến từng ly
Hoạt động tiếp diễn chẳng khi nào dừng
Mặt ai giờ cũng tưng bừng
Ka Rờ: dự án của từng thành viên
Mọi người dù có không chuyên
Nhưng mà hoạt động thường xuyên trong tuần

Con đường dù lắm gian truân
Ô Ka Rờ cứ hết luân lại hồi
Liên tục cải tiến chẳng thôi
Cuối năm ta lại có mồi với bia.

Bonus 3. Ảnh brainstorming OKR, chụp 12/2020.