Management là gì?

“Management túm lại là làm gì”, ông Tấn hỏi. Tôi ngớ người. Đấy là mùa hè năm 2016, sau 5 năm góp phần xây dựng và điều hành công ty, tôi mới nhận ra mình không biết gì bài bản về management. 

5 năm sau đó, tôi học đủ thứ, áp dụng cũng không ít. Tôi vốn thích có trải nghiệm trực tiếp và đúc rút bài học. Cứ ngỡ mình đã nắm bắt chút ít về management.

Cho đến ngày tôi cầm quyển Management của Peter Drucker – người được cho là cha đẻ của quản trị học hiện đại. Sách được xuất bản sau khi Drucker mất, do học trò của ông biên soạn từ các tác phẩm của Drucker. Tấn bảo đây là quyển sách quan trọng bậc nhất của Drucker, nên chắc là đáng để đọc, dù bản tiếng Anh không dễ thẩm thấu. Và rồi cái cảm giác cũ đó lại ùa về ^^.

Drucker hiểu biết rất rộng, lại sâu sắc. Sách viết toàn các nội dung mang tính nguyên lý, vừa đọc vừa ngẫm mà không chắc là mình hiểu đúng. Drucker đề cập đến nhiều khía cạnh rất căn bản của management. Ổng đưa ra các câu hỏi rất đơn giản, dễ hiểu, tưởng chừng hiển nhiên mà vô cùng khó để trả lời cho thật đầy đủ, gãy gọn. Nhìn chung đọc Drucker là một thử thách thực sự (nhưng cũng là cơ hội tốt để nâng tầm năng lực tư duy).

Theo cụ Drucker, management có thể là sự đổi mới quan trọng nhất của thế kỷ 20. Hiệu quả và sự tồn tại của tổ chức phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của ban quản lý. Không có management, tổ chức chỉ là tập hợp của một đám đông. 

Tôi vốn định tìm một định nghĩa rõ ràng về management của cụ Drucker, để khi cần có cái mà tụng. Ấy vậy mà tìm cả trong quyển Management lẫn vài quyển khác vẫn chưa thấy. Tìm mãi mới ra được vài ý như sau.

Management, trên tất cả các thứ khác, là một số ít các nguyên tắc thiết yếu/bản chất như sau:

  • Quản trị là công việc xoay quanh con người. Nhiệm vụ của nó là làm cho mọi người có khả năng cùng nhau hành động, khai thác điểm mạnh, khắc chế điểm yếu. 
  • Bởi vì quản lý giải quyết vấn đề hội nhập của mọi người trong một địa điểm chung, nó được nhúng sâu vào văn hóa. Công việc người quản lý cần làm ở Đức, Anh, Mỹ, Nhật, Brazil là giống nhau hoàn toàn. Cách họ làm có thể khá khác nhau.
  • Mọi doanh nghiệp đều yêu cầu sự cam kết với các mục tiêu chung và các giá trị được chia sẻ. Nếu không có cam kết như vậy, không có doanh nghiệp. Chỉ có một đám đông.
  • Mỗi doanh nghiệp là một cơ sở học tập và giảng dạy. Nó phải giúp cá nhân và tổ chức trưởng thành. 
  • Mỗi doanh nghiệp bao gồm những người có kỹ năng và kiến thức khác nhau làm nhiều loại công việc khác nhau. Nó phải được xây dựng dựa trên giao tiếp và trách nhiệm cá nhân.
  • Sản lượng và lợi nhuận đều không phải là thước đo đầy đủ cho hiệu suất (performance) của quản lý và của doanh doanh nghiệp. Vị thế thị trường, sự đổi mới, năng suất, sự phát triển của con người, chất lượng, kết quả tài chính — tất cả đều là rất quan trọng đối với hiệu suất của tổ chức và sự tồn tại của tổ chức.
  • Thành quả (result) chỉ tồn tại ở bên ngoài doanh nghiệp. Kết quả của một việc kinh doanh là một khách hàng hài lòng. Kết quả của một bệnh viện là một bệnh nhân được chữa lành. Kết quả của một trường học là một học sinh đã học được điều gì đó và làm việc đó vào mười năm sau. Bên trong một doanh nghiệp, chỉ có chi phí.

Những nhà quản lý hiểu được những nguyên tắc này và quản lý bản thân theo ánh sáng của chúng sẽ là những nhà quản lý có năng lực, đạt được thành tựu.

Không rõ ràng lắm nhỉ. Túm lại management là cái chi vậy ta.
Và còn nữa.

Quản lý là “liberal art”: “Liberal – tự do/khai phóng” bởi vì nó đề cập đến các nguyên tắc cơ bản của kiến thức, sự nhận thức về bản thân, trí tuệ, và sự lãnh đạo; “Art – nghệ thuật” bởi vì nó là thực hành và ứng dụng. 

Các nhà quản lý dựa vào tất cả các kiến thức và hiểu biết sâu sắc về khoa học xã hội và nhân văn, về tâm lý học và triết học, kinh tế học và lịch sử, đạo đức học cũng như khoa học vật lý. Nhưng họ phải tập trung kiến thức này vào hiệu quả và kết quả – vào việc chữa lành bệnh nhân, dạy học sinh, xây cầu, thiết kế và bán một chương trình phần mềm “thân thiện với người dùng”. (Túm lại là phải tạo ra được kết quả, chứ không chỉ hiểu và nói khơi khơi là đủ)

Huhu, thế này thì học đến bao giờ mới hết đây.

Tôi vốn là người yêu thích các bài toán kỹ thuật rồi chuyển sang làm quản lý. Phải mất một thời gian kèm theo những bài học không dễ chịu, tôi mới nhận ra được, management là làm việc với con người. Điểm yếu về kỹ năng giao tiếp gây cho tôi không ít rắc rối, dù cũng cố gắng cải thiện. Hoặc như việc đặt mục tiêu, đến giờ tôi vẫn thấy khó vô cùng. Khó có thể bẻ nhỏ các vấn đề của quản trị mà không đặt trong một bối cảnh tổng thể.

Vậy Management không phải là BSC, KPI, OKR, ISO… Đó chỉ là các công cụ.

Tôi như cậu trò nhỏ trong lĩnh vực management, càng tìm hiểu càng thấy chân trời tri thức rất rộng lớn. Một quãng thời gian dài sắp tới (5-10 năm?) tôi dự định sẽ bơi lội trong management, mà khéo đọc chưa hết sách của riêng cụ Drucker.

___________________________
*) Từ management dịch ra tiếng Việt là “quản trị” lẫn “quản lý”. Vì không muốn vướng mắc vào các tranh cãi liên quan đến ngôn từ, nên tôi cứ dùng nguyên “management”.
*) Ông Tấn được nhắc đến trong bài là anh Dương Trọng Tấn. Các bạn có thể tìm đọc thêm tại trang duongtrongtan.com.
*) Trong sách Management có một hình giới thiệu về “Quản trị như là một hệ thống của các thành phần có liên quan lẫn nhau”. Để hiểu sâu về một chủ đề sẽ cần phải hiểu rộng hơn về các chủ đề khác có liên quan. Hình này có lẽ là sản phẩm của bác học trò, còn tôi lướt các sách của cụ Drucker mà thấy toàn text chứ không có cái hình nào cả.

Systems View: Management as a whole