MTMB #4: Execution / Thực thi

Chiến lược tốt là rất cần thiết trong mọi hoạt động kinh doanh, nhất là về dài hạn. Thật vậy, bạn rất khó để cạnh tranh hoặc nổi bật trong đám đông nếu thiếu một chiến lược đủ tốt.

Tuy vậy, chỉ có thực thi mới mang lại kết quả. 

Hàng năm chúng ta thường đặt các kế hoạch tham vọng. Bao nhiêu trong số đó được hoàn thành như kỳ vọng?

Chiến lược tốt mà thiếu năng lực thực thi, có lẽ giống múa võ mà thiếu đi khả năng chiến đấu. Và biết cách thực thi tốt mới có thể lặp kết quả ở bối cảnh khác. Trong môi trường nhiều biến động như hiện nay lại càng cần đến nó.

Hình như có cha đầu tư nào đó bên Mỹ đã phát biểu “Ideas are cheap, execution is everything”. Chắc là nhằm ý đồ dìm giá, chứ tôi thấy có ideas tốt cũng khó kinh. Tuy vậy đâu đó cũng là một điểm nhấn có lý về tầm quan trọng của execution. 

Trong các năng lực cần thiết của quản lý, có vẻ “Thực thi” là điểm nổi trội nhất của tôi. (Nó là điểm nổi trội thôi, chứ kỳ thực thì vẫn còn phải cải thiện rất nhiều)

Bài học đầu tiên về Thực thi

Đợt đó tôi mới được bổ nhiệm làm COO. Có bạn Manager phụ trách một đơn vị nghỉ sinh, nên cần tìm kiếm nhân sự thay thế. Công ty bé, rất ít lựa chọn. Trong các ứng viên có một bạn là Project Manager nội bộ mới vào. Bạn này quản trị dự án rất có phương pháp, hỏi gì cũng có câu trả lời vanh vách. Kết quả dự án đang làm khá ổn. Một ứng viên đầy tiềm năng. Tuy nhiên trong đúng giai đoạn đánh giá, tình cờ dự án của bạn phát sinh vấn đề. Lúc này mới tòi ra là bạn đó chỉ có khả năng phân tích chứ không có khả năng giải quyết. 

Tôi thấy vô cùng may mắn khi vấn đề phát sinh đúng lúc. Mọi quyết định nhân sự sai lầm đều phải trả giá lớn. Và khi đọc quyển Thực thi: Hoàn thành kế hoạch bằng phương pháp quản trị có nguyên tắc, tôi mới hiểu hơn về bản chất của tình huống. Hóa ra nó hoàn toàn có thể phòng ngừa trước, không cần chờ đến may mắn.

Trong tình huống đó, nên là:

  • Có hoạt động đánh giá các ứng viên tiềm năng một cách cẩn thận, theo nhiều tiêu chí khác nhau. 
  • Đánh giá là việc của một hội đồng, cần được thảo luận kỹ lưỡng
  • Không chỉ nhìn vào kết quả, cần phải hiểu rõ cách nào để ứng viên làm ra kết quả. Họ đã làm gì? Điều gì làm nên kết quả? Cách họ đặt thứ tự ưu tiên như thế nào? Họ có hào hứng khi bắt tay vào các việc chi tiết không? Với công việc mới khả năng đáp ứng của họ tới đâu? Những người bên dưới họ có nhận xét gì? Điểm mạnh, điểm yếu của họ là gì? Điều gì sẽ cản trở họ thành công ở vị trí mới?…

BLĐ thời đó đều có làm cả 3 việc trên khi đánh giá, nhưng chưa thực sự kỹ lưỡng và nghiêm ngặt. Quả thật may mắn luôn là một yếu quan trọng trong kinh doanh.

Thực thi: khoảng trống dễ bị bỏ qua

Sách Thực thi đề cập đến các tên tuổi lớn đã thất bại về kinh doanh: AT&T, Compaq, Motorola, Xerox, Kodak. Năm 2000, 20% CEO của các công ty trong top 200 thuộc danh sách Fortune 500 của Mỹ bị sa thải hoặc buộc phải từ chức. Chắc chắn các công ty đó không thiếu vị thế trên thị trường, tiềm lực tài chính hay nhân sự giỏi. Các tác giả cho rằng các công ty đó gặp lỗ hổng về năng lực thực thi chiến lược đề ra.

Tại sao Thực thi lại bị thờ ơ?

Có lẽ lý do chính là nó không hấp dẫn, nếu so sánh với tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược, tài chính, lãnh đạo,… Mọi người có xu hướng thích những thứ nghe to tát. Thực thi đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỷ luật, nghe thôi đã thấy chán.

Quyển The art of action có lý giải khá thú vị về sự khó khăn của thực thi. Luôn tồn tại lỗ hổng giữa các yếu tố kế hoạch, hành động và kết quả. Kế hoạch không thể hoàn hảo, vì chúng ta không có đủ thông tin cần thiết (xu hướng thị trường, đối thủ, năng lực nội tại,…). Không phải lúc nào hành động cũng theo được kế hoạch ban đầu. Và kết quả của hành động có thể rất khác so với kỳ vọng, vì môi trường có quá nhiều thứ không phỏng đoán được từ trước.

Sự giới hạn của con người là nguyên nhân khiến thực thi khó ra kết quả. Con người luôn có giới hạn về tri thức, trong khi thông tin luôn không đầy đủ và nhiều tín hiệu nhiễu, và rất nhiều sự kiện khó đoán. Quá trình truyền tải thông tin thường dễ bị rơi rớt, hoặc người nghe hiểu sai. Ngoài ra, con người cũng có tư duy độc lập, cũng có nhu cầu và thứ tự ưu tiên riêng của bản thân. Tất cả điều đó tạo ra “ma sát”, khiến quá trình thực thi trở nên rất khó khăn.

Thực thi là gì?

Nôm na có thể hiểu Thực thi là năng lực hoàn thành việc cần làm (getting things done).

Nó là:

  • Quá trình có tính hệ thống
  • Thảo luận sẽ làm gì, làm như thế nào, đặt nghi vấn, kiên trì làm đến cùng và chịu trách nhiệm
  • Bao gồm:
    • xác định môi trường kinh doanh, 
    • đánh giá khả năng của công ty, 
    • liên kết chiến lược với hoạt động và những nhân viên thi hành nó
    • thống nhất nguyên tắc làm việc
    • khen thưởng phù hợp với kết quả

Bảy cách thức hoạt động trọng yếu của nhà lãnh đạo khi thực thi:

  1. Hiểu rõ nhân viên và công việc kinh doanh
  2. Bám sát tính thực tế
  3. Đặt mục tiêu và công việc được ưu tiên rõ ràng
  4. Theo sát mọi hoạt động
  5. Khen thưởng nhân viên
  6. Phát triển năng lực của nhân viên
  7. Biết mình

Thực thi phải là một phần văn hóa của công ty, cần có ở tất cả các cấp. Nó bắt đầu từ các nhà lãnh đạo và lan dần.

Phần trên tôi bê nguyên si từ sách. Có vẻ cũng hiển nhiên, chẳng có gì hấp dẫn lắm nhỉ ^^

Kết luận

Đường hướng rõ nét nhưng kết quả không tốt và không biết tại sao, rất có thể năng lực thực thi của bạn có vấn đề. Thực ra năng lực thực thi là một phần quan trọng cần cân nhắc khi xây dựng chiến lược. 

Thực thi tốt chưa chắc ra kết quả. Tuy nhiên thực thi không tốt rất khó để ra được kết quả tốt, trừ phi cô thương.

Sách Thực thi rất đáng để đọc. Nên đọc chậm và tìm cách áp dụng. Thực thi là việc nhàm chán, nhưng là việc bạn cần làm chủ.

Tôi sẽ viết tiếp một bài là “Nguyên tắc thực thi của Sơn” ^^