Nhiệm vụ của Management (phần 3)

Tác động và trách nhiệm xã hội

Mỗi tổ chức của chúng ta ngày nay tồn tại để đóng góp bên ngoài chính nó, để cung cấp và làm hài lòng những người bên ngoài…

Doanh nghiệp tồn tại để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng và thặng dư kinh tế cho xã hội, hơn là cung cấp việc làm cho người lao động và người quản lý, hoặc thậm chí cổ tức cho các cổ đông. Việc làm và cổ tức là những phương tiện cần thiết nhưng không phải là cái đích cuối cùng.

Để thực hiện công việc của mình, để sản xuất hàng hoá và dịch vụ kinh tế, doanh nghiệp phải có tác động đến con người, cộng đồng và xã hội… Nó phải có tác động đến cộng đồng với tư cách là hàng xóm, là nguồn việc làm và nguồn thu thuế nhưng cũng như các chất thải và chất gây ô nhiễm…. Nó phải thêm vào mối quan tâm cơ bản đối với số lượng (hàng hóa và dịch vụ kinh tế) mối quan tâm đến chất lượng cuộc sống, cho môi trường vật chất, con người và xã hội của con người và cộng đồng hiện đại.

Ngành IT outsourcing có một ảnh hưởng tích cực: mang về ngoại tệ cho đất nước. So với các ngành khác như dệt may, thủy sản thì vẫn kém khá xa về con số. Tuy nhiên giá trị mang lại của ngành ITO rất lớn: chi phí đầu vào thấp, và giá trị của tri thức/kỹ năng của đội ngũ lao động tiếp thu được từ nước ngoài khó có thể đong đếm hết được.

Làm cho những nơi có tiêu chuẩn cao hơn hẳn như Nhật, Mỹ, EU, bị “đánh đập” nhiều nên kiểu gì cũng khá lên. Rất nhiều người có cơ hội được ra nước ngoài làm việc trực tiếp tại văn phòng của khách hàng. Thế nên ITO là cơ hội tốt để mọi người học hỏi, và không có giới hạn. Tôi đã chứng kiến rất nhiều bạn trưởng thành và có những bước tiến xa trong nghề nghiệp. (Tiếc rằng không phải bạn nào cũng mong muốn nắm bắt cơ hội đấy)

Tôi nhớ cỡ 2007 khi cùng mọi người trong bộ phận về thăm nhà một bạn, bố bạn ấy có bảo, mỗi dịp các cháu về chơi nên có hoạt động giao lưu với đoàn thanh niên địa phương, sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực. Chú nhận xét, thanh niên ở đây không có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc nước ngoài để mở mang đầu óc. Thế mà sau đó hình như cũng không có cuộc giao lưu nào thì phải.

Ở cấp độ doanh nghiệp, nhiều công ty ITO tôi có cơ hội tiếp xúc bắt đầu quan tâm hơn đến việc tạo ra môi trường tốt để mọi người cùng phát triển, thay vì chỉ tạo ra sự thành công cho những người sáng lập. Trách nhiệm xã hội còn thể hiện thông qua các chương trình thiện nguyện, hiến máu. Có công ty quan tâm đến việc hạn chế sử dụng túi ni lông, hoặc thu gom pin đã dùng. Tuy nhiên, trong những công ty tôi có tiếp xúc, chưa thấy công ty nào có suy nghĩ một cách nghiêm túc và có chiến lược rõ ràng về trách nhiệm xã hội. (Bản thân tôi khi còn tham gia điều hành cũng không có được cái nhìn xa hơn)

Về tác động doanh nghiệp đối với khách hàng, ngành ITO có một trở ngại lớn: khách hàng là doanh nghiệp và ở nước ngoài, nên các bạn làm dự án hàng ngày khó có cảm nhận rõ về giá trị mang lại cho khách hàng. Vì thế cũng rất khó để giúp các bạn developer, tester cảm nhận thấy ý nghĩa của công việc mình đang làm. Ở Amazon có một cách làm hay mà các công ty ITO có thể học: trong phòng họp có một ghế trống được dán tên “customer”. Nhìn chung về phần này cần phải suy nghĩ kỹ hơn.


Tôi vốn đi từ người làm kỹ thuật chuyển sang phụ trách các hoạt động vận hành nội bộ. Phải khá lâu sau tôi mới có được cái nhìn hướng đến khách hàng. Đâu đó cũng có nhận thức lờ mờ về trách nhiệm của mình ở vị trí quản lý. Giờ thử nhìn management theo hướng từ bên ngoài vào, đi từ các nhiệm vụ căn bản, cũng là một bước tiến mới.

Các phần sau của quyển Management mô tả chi tiết hơn về các yếu tố cần lưu ý khi thực hiện ba nhiệm vụ trên.

*) Nội dung bài viết được trích dẫn từ quyển Management (2008), chương 3 (The dimensions of management).