Nhiệm vụ của Management (phần 2)

Công việc năng suất và người lao động có thành tựu

Doanh nghiệp đạt hiệu suất thông qua công việc. Do đó, làm cho công việc năng suất là một chức năng thiết yếu…

Nhưng đồng thời, các tổ chức trong xã hội ngày nay đang ngày càng trở thành phương tiện thông qua đó con người cá nhân tìm sinh kế của họ, tìm đường tiếp cận tới địa vị xã hội, tới cộng đồng, cũng như thành tựu và sự hài lòng của cá nhân. Do đó, việc làm cho người lao động đạt được thành tựu ngày càng quan trọng hơn và là thước đo hiệu quả hoạt động của một tổ chức.

Quá chí lý. Làm việc không còn chỉ là một công cụ để kiếm sống trong rất nhiều công việc ngày nay, nhất là với thế hệ Z. 

Cơ mà cụ Drucker viết những lời trên vào năm 1974, trong version đầu của quyển Management (2008) với tên “Management: Tasks, Responsibilities, Practices”. Và sách có nguyên một chương để nói kỹ hơn về năng suất của knowledge worker – người lao động tri thức, với những điểm rất khác biệt so với năng suất của người lao động chân tay.

Agilead Global rất quan tâm đến bài toán nâng cao hiệu suất cá nhân và tổ chức, cũng như giúp các đối tác cải thiện điều này. Ông Tấn có viết quyển sách Được việc, với nhiều phương pháp để giúp mọi người cải thiện công việc và cuộc sống. Có những cách thức rất đơn giản nhưng có thể thay đổi đáng kể năng suất cá nhân nếu áp dụng được triệt để. Thật vậy, bạn hãy thử Pomodoro với phương pháp Ivy Lee xem.

Với “người lao động có thành tựu”, có lẽ doanh nghiệp nào cũng mong muốn, nhưng triển khai được rộng rãi không dễ dàng. Tôi vẫn nhớ về lần đầu tiên được tham gia buổi tổng kết cuối dự án. PM trình bày 1 lượt các thông tin, anh em không ai ý kiến gì. Buổi họp tưởng chừng kết thúc thì anh Division manager có đưa thêm câu hỏi “Bạn tiến bộ thế nào qua mấy tháng vừa rồi?”. Tự nhiên mọi người sôi nổi hẳn, lần lượt chia sẻ được rất nhiều. Sau này khi tham gia các buổi họp tương tự với vai trò quản lý, tôi đều đặt lại câu hỏi này mỗi khi PM quên (dù điều đó được quy định trong quy trình, và có hẳn một mục riêng trong template). 

Tôi từng rất bất ngờ khi nhận thấy một bạn làm trong công ty cũ được ~4 năm mà không có thành tựu gì đáng kể. Cũng không ít bạn rời công ty với mong muốn có thu nhập tốt hơn, công việc thách thức hơn. Có thành tựu là nhu cầu chính đáng của mỗi người lao động. Làm cho người lao động có thành tựu quả thật phải là một nhiệm vụ chính của management.

Xây dựng các quy trình nhân sự một cách hệ thống là việc cần làm. Bổ nhiệm nhân sự vào vị trí mới mà thiếu đi sự chuẩn bị sẽ là rủi ro với cả doanh nghiệp lẫn người lao động, thế nên cũng cần dành đủ sự quan tâm đến chiến lược phát triển nguồn lực. Ngoài ra, kỹ năng của đội ngũ quản lý các cấp có ảnh hưởng lớn tới hiệu suất của công việc cũng như sự phát triển của đội ngũ. Câu hỏi “bạn đã tiến bộ như thế nào” nên được hỏi thường xuyên. Văn hóa “quản lý như một nhà huấn luyện” đang dần trở nên phổ biến trên thế giới, còn ở Việt Nam có vẻ bắt đầu manh nha (nhận định một cách vô cùng cảm tính).

(Còn nữa)