Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo.
Dhammapada
Tôi vốn băn khoăn không biết có nên viết bài này không. Hôm nay nói chuyện với anh, thêm được bài học về việc không được dùng ngôn từ gây hại cho người khác. Nói gì cũng có nguy cơ gây hại, nên tốt nhất là im lặng. Viết lách cũng vậy.
Nghe đến Phật cách đây hơn 10 năm, tôi vốn nghĩ một ngày nào đó sẽ tìm hiểu, chỉ là không phải thời điểm bấy giờ. Rồi việc này việc nọ phát sinh, Phật cứ ngấm từ từ từng chút. Nay nghe anh nói, tìm hiểu về Phật pháp trong quãng tuổi 30~50 sẽ thuận lợi hơn. Thôi thì coi như gieo duyên ^^
Hai câu đầu là lợi tựa anh viết trong quyển sách tặng tôi, quyển đầu tiên anh viết. Đó cũng là hai câu kệ đầu trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada). Có lẽ còn lâu lâu nữa tôi mới có thể hiểu được đúng về nó.
Dân tech, từng khởi nghiệp và xây dựng một cty phần mềm lớn khá thành công, anh rẽ sang con đường tâm linh, thiền tập. Trên blog anh tự nhận là “A happiness pursuer”. Buổi nói chuyện 4 tiếng, đủ các chủ đề từ vận hành doanh nghiệp, phát triển đội ngũ, nghề tư vấn,… đến nuôi dạy con cái hay thiền tập. Anh học nhiều, trải nghiệm nhiều, các góc nhìn đều rất rõ ràng và thú vị.
Anh bảo, thiền cũng giống khoa học ở điểm: quan sát đủ nhiều và rút ra được mẫu. Đối tượng quan sát ở đây là thân và tâm. Cái chính là đủ nhiều. Anh không dạy thiền dù tập cũng hơn 10 năm, dù anh có thể nói rất tốt về thiền tập hay vô thường. Lý do là chứng nghiệm cũng chưa đủ. Chỉ thầy anh mới có thể dạy. Mà các bậc chân tu thì cũng bận việc tu tập, nhiều người muốn học nên cũng ảnh hưởng tới việc tập. (Lúc nghe đến khúc này thấy cũng giật mình phết, tôi trải nghiệm cũng chưa đủ nhiều mà lại hay viết linh tinh ^^)
Gặp nhau có lẽ do duyên. Anh là khách mời trong một chương trình do tôi đồng tổ chức cách đây 2 năm. Mạo muội xin gặp, ai dè anh dành cho rất nhiều thời gian. Anh bảo cũng ít khi gặp gỡ nói chuyện.
Buổi nói chuyện khiến tôi thấy có sự tĩnh tâm hơn hẳn. Tuy vậy nó chỉ là lợi ích nhất thời. Chỉ mình mới có thể giúp mình. Cuộc gặp với anh có lẽ là cú hích để tôi bắt đầu thử lại với việc thiền tập nghiêm túc hơn.
Mời mọi người tìm hiểu thêm qua các nguồn thông tin anh chia sẻ:
https://viethungnguyen.com
https://viethungnguyen.com/2020/04/30/tap-hop-cac-bai-chia-se-va-thu-am-cua-viet-hung
(Gồm cả chủ đề về quản trị/lãnh đạo)
https://saigonmeditationproject.org
https://saigonmeditationproject.org/thu-vien
(Rất nhiều sách được anh dành tâm sức dịch ra tiếng Việt và phát hành miễn phí)
#beHATT