Thinking là một thứ gì đó còn mơ hồ với tôi.
Từ những thứ hay gặp như Logical thinking, Creative thinking, rồi Strategic thinking. Design thinking giờ cũng dần phổ biến. Tôi vốn định tìm hiểu cho rõ về “thinking”, cơ mà vẫn chưa kịp sờ đến. Giờ lại thêm món “Scientific thinking” nữa chứ. Tạm dịch nó là “Tư duy khoa học”.
Hồi còn đi học phổ thông, tôi có một cách tiếp cận khá khác thông thường. Thầy cô cứ dạy về các dạng bài tập, tôi toàn lờ đi. Tôi cho rằng việc làm bài chỉ bằng cách ghi nhớ không còn thú vị. Chắc một phần cũng là do lười. Thường thì tôi cố gắng nhìn bài toán như nó vốn có, vận dụng tối đa các thông tin để phân tích và tìm dần lời giải. Vào phòng thi đại học, việc đầu tiên tôi làm sau khi nhận giấy nháp là viết lại các công thức cơ bản, để đầu óc thảnh thơi tập trung cho việc tìm lời giải. (Cách này có vẻ cũng không tốt, nếu xét về kết quả điểm số ^^)
Có ông thầy của cậu bạn bảo, người Việt các cậu rất giỏi, nói cái gì đều nhớ được. Có điều các cậu nhớ nguyên si như thế, chả có biến đổi gì. Thầy nói quả không sai. Tôi cũng tự thấy mình khá kém trong việc lập luận, tổng hợp thông tin và đúc rút ra các nhận định mới.
Trong công việc, chắc hẳn bạn cũng từng bực mình về “lối tư duy” của đội ngũ. Quản lý nào hẳn cũng muốn member tư duy mạch lạc rõ ràng. Cơ mà bảo làm thế nào để trang bị thì chắc là chịu.
Tôi va vào thuật ngữ “Scientific thinking” gần đây khi đang trong quá trình tìm hiểu thêm về Toyota.
Scientific thinking – Tư duy khoa học, trong Toyota Way
Tổng quan
Từ “Scientific thinking” ở đây nói về cách tư duy, không có ý biến chúng ta thành các nhà khoa học. Nó có thể được áp dụng trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Thực tế nó được thực hành tại Toyota từ lâu.
Mike Rother – một nhà nghiên cứu Mỹ, khi tìm hiểu sâu về Toyota có đặt ra câu hỏi “Những thói quen và tư duy quản lý ẩn giấu đằng sau thành công của Toyota đối với sự cải tiến và thích ứng liên tục là gì?” Sau rất nhiều năm tìm tòi thì câu trả lời là “Scientific thinking”. Các công ty chỉ thích học hỏi từ Toyota các kỹ thuật và nguyên lý, ít để ý đến cách tư duy. Do đó họ thường chỉ copy được cái vỏ.
Kết quả của Mike Rother ấn tượng đến mức Liker Jeffrey đã đưa Scientific thinking thành một thay đổi trọng tâm trong phiên bản mới của cuốn “Phương thức Toyota” xuất bản 2020. Ông bảo, scientific thinking đã đưa 4 chữ P (của phương thức Toyota) vào thực tế. Như vậy có thể thấy Liker Jeffrey đánh giá rất cao phát hiện về scientific thinking.
Tư duy khoa học và Phương thức Toyota như là một Hệ thống
Theo Mike Rother:
- Tư duy khoa học là một quá trình gắn kết thực tế với mục đích học tập, một cách có chủ đích.
- Cốt lõi của Tư duy khoa học là sự tò mò không ngừng về một thế giới mà chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được, nhưng chúng ta muốn thực hiện bước tiếp theo để hiểu rõ hơn một chút.
- Đó là sự so sánh liên tục giữa những gì chúng ta dự đoán sẽ xảy ra tiếp theo với những gì thực sự xảy ra, và điều chỉnh sự hiểu biết cũng như hành động của chúng ta dựa trên những gì chúng ta học được từ sự khác biệt đó.
Nôm na là thế giới này khó đoán định được, không biết chắc được điều gì ngay từ đầu. Ví dụ như công ty muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, thì việc họp bàn lên kế hoạch chi tiết và cứ thế mà chạy khó ra được kết quả. Kể cả có chuyên gia xịn thì cũng vậy. Lý do là có quá nhiều tham số ảnh hưởng tới kết quả ở từng bước. Thế nên là chúng ta phải chịu khó mà học hỏi, thông qua việc giả định và kiểm chứng giả định rồi rút ra bài học. Nó cần được thực hiện liên tục và một cách có chủ đích.
(Tôi có đủ nhiều trải nghiệm trong việc triển khai các chương trình chuyển đổi, và hoàn toàn chia sẻ nhận định đó. Có điều các lãnh đạo và các nhà tư vấn sẽ không thích điều này.)
Rèn luyện qua Improvement Kata
Tư duy khoa học vốn không tự nhiên có. Con người có xu hướng tư duy nhanh. Quan sát thấy bụi rậm có động là chạy ngay, đề phòng có sư tử. Gặp vấn đề là có xu hướng đưa ra luôn giải pháp mà không phân tích kỹ. Trong khi đó tư duy khoa học lại là tư duy chậm.
Mike Rother đưa ra mô hình Improvement Kata để có thể rèn luyện tư duy khoa học trong công việc hàng ngày. Đây là cách làm của Toyota.
Thực hành Tư duy khoa học trong thực tế, nhờ vào Improvement Kata
Diễn giải Improvement Kata
- Giai đoạn lập kế hoạch:
- (1) Bắt đầu bằng việc xem xét phương hướng chung hoặc thách thức.
- (2) Hiểu rõ tình trạng hiện tại.
- (3) Thiết lập mục tiêu tiếp theo trên con đường hướng tới thách thức.
- Giai đoạn thực hiện:
- (4) Tiến tới mục tiêu bằng các thí nghiệm, từ đó phát hiện ra những chướng ngại vật cần giải quyết.
Trông nó cũng giống món PDCA. Phương pháp triển khai thì Mike Rother có đưa ra một số cách thức cụ thể.
Trong mô hình này, quản lý các cấp trở thành người huấn luyện thay vì là người biết tuốt. Improvement Kata được khuyến khích thực hiện hàng ngày, thay vì chỉ qua các event hàng tuần hoặc tháng.
Kết luận
Với các quan sát của tôi, thay đổi được tư duy mới mang lại được kết quả bền vững. Để thay đổi tư duy cần có phương pháp. May quá lại tìm ra một phương pháp cụ thể.
Tôi sẽ tìm cách thử để có trải nghiệm trực tiếp. Trông nó có vẻ thú vị và rất hứa hẹn.