Rút bài học

Bất kỳ ai đi làm cũng đều vấp phải các sai sót. Đó là cơ hội tốt để chúng ta học hỏi và trưởng thành hơn. Tuy vậy, nên rút bài học thế nào thì hiệu quả?

“Em xin rút kinh nghiệm và lần tới sẽ làm cẩn thận hơn”.

Câu này chắc hẳn bạn nghe quen quen. Với tôi thì rất quen ^^. Cẩn thận hơn hay cố gắng hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên như thế là chưa đủ. Làm sao biết được cẩn thận đến mức nào thì vấn đề không lặp lại?

Một cách rút bài học khác. “Lần tới em sẽ làm việc A, B trong tình huống tương tự”. Có vẻ đã rõ ràng hơn, có hành động cụ thể. Tuy vậy tôi thấy vẫn chưa đủ tốt. Làm sao biết được là A, B đủ để vấn đề không lặp lại?

Với tôi, rút bài học tức là mình … rút ra được điều gì đó từ sự việc phát sinh. Cứ làm như thế này thì có nguy cơ thế kia. Cứ tưởng là thế này hóa ra lại thế kia. 

Cứ mình làm rồi tự rà soát thì rất dễ phát sinh lỗi. Cứ tưởng mình đã đủ hiểu khách hàng rồi, hóa ra là chưa. Cứ tưởng mình chuẩn bị như thế là trúng ý khách hàng, hóa ra còn thiếu góc nhìn XYZ nào đó.

Từ bài học này mới đưa ra các hành động khác nhau để tránh vấn đề lặp lại. Cần đối chiếu lại bài học để tăng mức độ hiệu quả của hành động, tránh vấn đề lặp lại. Cuối cùng thì thực tế là thước đo hữu hiệu nhất, và bạn tiếp tục rút ra được bài học mới.

Tôi thấy nếu dành đủ thời gian cho việc rút ra bài học đúng cách, hiệu quả công việc sẽ tăng lên đáng kể. Viết ra cũng là một cách để tự nhắc mình.

Để rút bài học tốt hơn, nên kết hợp với việc phân tích sâu. Mời bạn tham khảo thêm bài viết cũ 5 whys.