Tôi có cơ hội làm việc với một quản lý trẻ. Bạn phụ trách một dự án cần lấy được vài K người dùng thông qua kênh đối tác. Team có thêm vài bạn. Các bạn ước tính, để đạt được cần có X đối tác, mỗi đối tác trung bình có Y người dùng. Như thế trong 1 quý sẽ đạt được mục tiêu.
Và khi số người dùng không được như kỳ vọng, team không biết cách nào để cải thiện cho hiệu quả, ngoài việc sẽ cố hơn.
ĐÂY LÀ BÀI TOÁN ĐIỂN HÌNH CỦA TRÒ CHƠI VỚI CÁC CON SỐ ^^
Tôi gợi ý cho bạn, cần phải làm rõ được bức tranh kết quả đến từ đâu. Làm 1 cái bảng to, một chiều là các đối tác, một chiều là các tuần. Liệt kê các đối tác đã có, và dựa vào lịch sử trước kia để ước lượng con số lần này. Với con số lịch sử đột biến thì cần cân nhắc điều chỉnh, vì khả năng khó lặp lại. Những đối tác đang tiếp cận thì cũng đưa vào danh sách và áng chừng số liệu. Cần phân nhóm: tốt, trung bình, kém, với số liệu ước lượng khác nhau tương ứng. Tùy vào nguồn lực triển khai thì điền thời điểm nhảy số phù hợp. Các đối tác sẽ tiếp cận cũng làm tương tự.
Tất cả đều là giả định. Tuy nhiên khi làm xong là nhìn thấy bức tranh khá rõ ràng. Bạn quản lý nhận định được tính khả thi của dự án.
Mỗi tuần các số liệu mới nhất sẽ được cập nhật. Các giả định về kết quả tiếp theo cần được điều chỉnh lại dựa vào tình hình thực tế. Các quyết định cần được đưa ra: cải thiện số lượng đối tác, hay chất lượng đối tác, hay tăng năng suất phần A phần B. Khá rõ ràng khi có bảng số liệu.
Thời buổi mọi thứ thay đổi nhanh, chúng ta có xu hướng ngại lập kế hoạch. Lập làm gì khi biết chắc mọi thứ sẽ trượt – lãnh đạo một cty từng bảo tôi như vậy. Tôi đồng ý vế mọi thứ sẽ không như kế hoạch. Có điều thiếu hoạch định thì không khác gì việc mò mẫm trong đêm.
Chúng ta ai cũng có điểm mù. Thứ mình không biết thì rất nhiều. Tương tự là thứ mình biết mà lại không làm, vì cho rằng nó không quan trọng. Đôi khi chỉ một vài câu hỏi bâng quơ của người ngoài cũng có thể rất hữu ích.